Công ty Luật TNHH Everest – hỗ trợ pháp lý cho anh Nguyễn Văn Tú trong vụ án "cố ý gây thương tích" nhận định rằng: vụ án có dấu hiệu oan sai rõ ràng, thể hiện các cơ quan tiến hành tố đã vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Anh Nguyễn Văn Tú, sinh năm 1974, có quê gốc tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, vào tỉnh Bình Dương sinh sống, kinh doanh nghề buôn chó từ năm 2012. Anh Tú, không có tiền án, tiền sự, là người hiền lành, không có mâu thuẫn với ai. Trong công việc kinh doanh, cho tới thời điểm xảy ra vụ án (ngày 14/06/2015) anh Tú chưa từng bị khách hàng hoặc đối tác khiếu nại về việc kinh doanh không trung thực.
Anh Nguyễn Văn Tú và ông Nguyễn Trọng Hòng là người cùng quê đồng thời là bạn học. Tại Bình Dương, ông Hòng và anh Tú có quan hệ kinh doanh, ông Hòng buôn chó sống và bán lại cho các cửa hàng kinh doanh chó chín, chó “móc hàm”, trong đó có cửa hàng của anh Tú.
Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, ông Hòng đã trộn hàng xấu (chó già, gầy, ốm, có giá thấp hơn 30% so với hàng tốt) để bán cho anh Tú với giá cao (60.000 đồng/kg). Gần thời điểm xảy ra vụ án, anh Tú kiểm tra và trả lại hàng cho ông Hòng, thì ông Hòng hậm hực, có vài lần anh Tú và ông Hòng có xảy ra xích mích, cãi lộn.
Vào khoảng ngày 13/06/2015, ông Hòng nói rằng anh Tú kinh doanh gian lận. Theo ông Hòng, mỗi mã hàng (là một lồng đựng chó, nặng từ 1,2 -1,5 tạ), bị anh Tú cân hụt 08 (tám) kg. Vì vậy, ông Hòng yêu cầu anh Tú phải đền bù toàn bộ thiệt hại, kể cả các đơn hàng đã giao trước đó.
Vào khoảng 19h30 ngày 14/06/2015, ông Hòng đi xe máy đến quán của gia đình anh Tú tại khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đến nơi, thấy anh Tú, chị Liên ( vợ anh Tú) và cháu Nguyễn Văn Chiến (14 tuổi, là con trai của anh Tú và chị Liên) đang ngồi ăn cơm, ông Hòng phi thẳng xe vào quán tới gần sát bàn ăn cơm. Ông Hòng kêu lớn: “chúng mày làm ăn phải qua tao, không tao dẹp…”. Thấy thái độ của ông Hòng hung hăng, anh Tú bình tĩnh, mời ông Hòng ăn cơm cùng, rồi sai cháu Chiến vào lấy bát, đũa cho ông Hòng. Không những không ăn, ông Hòng cầm lấy mũ bảo hiểm đập nhiều lần xuống mâm cơm và bàn.
Ông Hòng cầm chai nhựa cỡ 1,5 lít trong có đựng chất lỏng (có thể là rượu) ném thẳng vào trán của anh Tú, nhưng anh Tú vẫn nhẫn nhịn, không chống trả lại (người làm chứng là bà Lê Thị Quyết xác nhận nội dung này). Không dừng lại tại đó, ông Hòng liên tục chửi bới, rồi ông Hòng lấy ghế nhựa của gia đình anh Tú đập liên tiếp vào bàn. Anh Tú vẫn nhẫn nhịn, chỉ khuyên can ông Hòng bình tĩnh, thậm chí, thấy thức ăn rơi xuống đất, anh Tú dùng tay nhặt thức ăn, ăn tiếp.
Sau đó, ông Hòng quay ra đập phá các tài sản khác gồm: máy khâu điện tử, xe máy, xe đạp đang để trong sân nhà anh Tú. Thấy ông Hòng đập phá đồ đạc, xót của chị Liên (vợ anh Tú) mới nói: “chú thật quá đáng, không nể ai cả, người ta đang ăn cơm cũng không cho”. Nghe chị Liên nói vậy, ông Hòng lập tức cầm chiếc ghế nhựa đập thẳng vào mặt của chị Liên, làm rách da, chảy máu vùng mặt, sau đó, ông quay ra đá cháu Chiến mấy cái. Chị Liên và cháu Chiến hoảng sợ quá phải bỏ chạy ra đường. Ông Hòng không chịu buông tha, tiếp tục đuổi theo, cầm chiếc tô sành (đựng cá nấu canh chua trên mâm cơm) cỡ lớn ném thẳng vào người chị Liên, chị Liên may mắn né kịp. Quá sợ hãi, cháu Chiến phải kêu lớn: “bố ơi cứu con”.
Không thể kìm chế khi ông Hòng tiếp tục cầm mũ bảo hiểm đuổi theo đánh chị Liên và cháu Chiến, anh Tú mới đứng dậy chạy theo, ngăn ông Hòng lại. Anh Tú nhìn thấy con dao (dùng để chặt thịt chó) trên bàn bán thịt chó để ngay cửa cổng ra vào, chém ông Hòng, trúng đầu, tay. Ông Hòng được hàng xóm đưa đi cấp cứu.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Tú đã gọi điện thoại và mang dao tới Công an phường An Phú trình báo. Chỉ khoảng ít phút sau đó, Công an phường An Phú đã có mặt tại hiện trường lập biên bản, chụp ảnh hiện trường.
Sau khi đi cấp cứu, ông Hòng được cứu chữa, nối lại các vết thương ở tay. Tuy nhiên, ông Hòng thường xuyên uống rượu kể cả lúc cấp cứu tại bệnh viện, không giữ gìn vệ sinh vết thương dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử vết thương và phải cắt bỏ một số bộ phận. Tsau khi giam định thương tích, Cơ quan tố tụng kết luận thương tích do anh Tú gây cho ông Hòng là 40%.
Công ty Luật TNHH Everest làm việc với đương sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Cơ quan điều tra Công an thị xã Thuận An đã xác định hành vi của anh Nguyễn Anh Tú có dấu hiệu của tội phạm, do đó đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Tú về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh”. Ngày 06/05/2016, Tòa án nhân dân thị xã Thuận An đã xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Văn Tú phạm tội: “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” và xử phạt Nguyễn Văn Tú 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo (Bản án số 140/2016/HSST).
Ngày 15/08/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã xét xử phúc thẩm vụ án. Bản án phúc thẩm số 79/2016/HSPT hủy toàn bộ bản án số 140/2016/HS-ST để xét xử lại.
Ngày 24/01/2018, Tòa án nhân dân thị xã Bình Dương đã xét xử sơ thẩm (lần thứ hai), tuyên bố bị cáo Nguyễn Anh Tú phạm tội "Cố ý gây thương tích” quy định xử phạt tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bản án số 17/2018/HS-ST)
Ngày 01/08/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. Quyết định tại Bản án số 75/2018/HS-PT: “Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Tú; giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2018/HS-ST của Tòa án nhân dân thị xã Thuận An: Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 104; các điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Xử phạt Nguyễn Văn Tú 04 (bốn) năm tù...”.
Đối với Bản án số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, Công ty Luật TNHH Everest cho rằng: (1) Kết luận trong bản án của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (2) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; (3) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Do đó,ngày 05/11/2018, Công ty Luật TNHH Everest đã gửi Công văn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 75/2018/HS-PT ngày 01/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Trong vụ án này, ông Hòng đã có những hành vi: đập phá tài sản của gia đình anh Tú, cầm chai nhựa ném thẳng vào trán của anh Tú, dùng ghế nhựa đập thẳng vào mặt của chị Liên, làm rách da, chảy máu vùng mặt, cầm mũ bảo hiểm đuổi theo đánh chị Liên và cháu Chiến.
Hành vi hung hăng của ông Hòng khiến cho chiếc bàn ăn bị thủng, 02 ghế nhựa bị vỡ, bát và cốc vỡ, 02 máy khâu điện tử bị hỏng, xe máy của anh Tú bị đập hỏng, một số xe đạp, xe máy của công nhân may, cũng bị đập phá. Sự việc trên gây náo loạn khu phố, nhiều người hàng xóm như chị Lê Thị Quyết (sinh năm 1972), anh Trần Văn Giỏi (sinh năm 1984) đã liền kề đã chứng kiến sự việc. Các nhân chứng đều thấy là, mặc dù ông Hòng gây sự, chửi bới, đánh đập chị Liên và con trai, anh Tú đã vô cùng nhẫn nhịn, không chửi, không đánh lại.
Anh Tú có hành vi cầm dao chém ông Hòng nhằm chống lại hành vi phá hoại tài sản và tấn công gia đình anh Tú. Mục đích mà anh Tú dùng dao chém ông Hòng nhằm ngăn chặn hành vi tấn công của ông Hòng và bảo vệ gia đình mình bằng cách gây thiệt hại cho ông Hòng. Điều này thể hiện rõ ở việc, mặc dù ông Hòng liên tiếp có các hành vi đập phá, đánh người nhưng anh Tú vẫn nhẫn nhịn, không chống trả lại. Chỉ khi vợ con của anh Tú bị đánh đuổi, anh Tú mới có sự phản kháng lại đối với ông Hòng.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm; 2.Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này” (Điều 22).
Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Như vậy, trong vụ án này cần xem xét rõ về điều kiện, hoàn cảnh khi anh Tú có hành vi gây thương tích (chém) cho ông Hòng. Bản án số 17/2018/HS-ST: “... Bà Liên bỏ chạy thì Hòng nhặt một chiếc tô sành ném theo nhưng không trúng và tiếp tục cầm nón bảo hiểm đuổi theo bà Liên để đánh. Thấy vợ, con bị đánh Tú tức giận đứng dậy chạy đến bàn bán thịt chó gần đó lấy 01 con dao bằng kim loại (loại dùng chặt thịt chó dài 50 cm) đuổi theo nắm lấy cổ áo Hòng và chém một nhát vào vị trí vùng đầu sượt xuống cổ (sau gáy), Hòng quay lại dùng mũ bảo hiểm giơ lên định đánh Tú thì Tú tiếp tục chém trúng vào tay trái Hòng...”.
Có thể nhận thấy, hành vi của ông Hòng là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của anh Tú và gia đình anh Tú, do vậy anh Tú vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của chị Liên (vợ), cháu Chiến (con), tức là (người khác) mà chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm (ông Hòng). Vấn để mấu chốt ở đây cần phải xem xét đó là hành vi “chống trả” của anh Tú có “quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” hay không. Trong vụ án này, xét thấy rằng hành vi của anh Tú chỉ nên xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Anh Tú đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho ông Hòng (dùng dao chém vào người) mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó. Do đó cần xem xét đó là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên trong giai đoạn tố tụng từ ngày 28/10/2015 đến 01/08/2018, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố, xét xử anh Nguyễn Văn Tú về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh và tội cố ý gây thương tích. Chúng tôi cho rằng: “Kết luận trong bản án số 75/2018/HS-PT không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”.
Như đã phân tích ở trên, hành vi đập phá tài sản (cố ý làm hư hỏng tài sản), hành hung (cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ) của ông Hòng đã có dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích và tội cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 104 và Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003: Thu thập bảo quản vật chứng (Điều 75), Khám nghiệm hiện trường (Điều 150), Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 145) Xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 152), Trưng cầu giám định (Điều 155).
Cụ thể, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Thuận An đã: (i) không khám nghiệm đầy đủ hiện trường dẫn tới bỏ ra ngoài những dấu vết của hành vi vi phạm pháp luật của ông Hòng (mặt bàn sắt, xe máy, máy khâu điện tử bị hư hỏng); (ii) không thu thập các vật chứng mặc dù có chụp ảnh (liên quan tới mặt bàn sắt, xe máy, máy khâu điện tử bị hư hỏng); (iii) không xem xét dấu vết trên thân thể (chị Liên bị thương ở mặt, phải nhập viện); (iv) không thực hiện giám định tài sảnbị hư hỏng (gồm mặt bàn, xe máy, máy khâu điện tử); (v) không thực hiện trưng cầu giám định để xác định thương tích của chị Liên.
Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nêu trên không những làm sai lệch bản chất của vụ án (từ đó Tòa án nhận định: “... Hội đồng xét xử nhận thấy hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng...”), mà theo chúng tôi đã bỏ lọt tội phạm - không thu thập đủ các chứng cứ làm căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Hòng.
Ngày 28/11/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra thị xã Thuận An đã ban hành văn bản số 35/TLĐ-CQĐT, có nội dung: “Không đủ căn cứ xác định ông Nguyễn Trọng Hòng có hành vi làm hư hỏng tài sản của bà Liên và bị cáo Tú”. Bản án hình sự phúc thẩm số 75/2018/HS-PT kết luận nội dung này, đồng thời nhận định không có cơ sở xem xét kháng cáo của bà Phạm Thị Liên.
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi: hành vi của ông Hòng có dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc không đủ căn cứ xác minh vi phạm nghiêm trọng (tội phạm) của ông Hòng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, vấn đề này sau đó đã không được xử lý, khắc phục trong các giai đoạn truy tố, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), Đáng lẽ, đối với sai phạm thủ tục tố tụng (nêu trên) thì Tòa án có đủ căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung, đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ vụ án..., thì Tòa án lại kết luận: hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng...”.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm