Nội dung bài viết [Ẩn]
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid 19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Chủ trương của Nhà nước được quán triệt vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Tình hình đặt ra yêu cầu cần có một hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất trong bối cảnh đặc biệt này. Ngày 14/7/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ban hành Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM hướng dẫn thực hiện vừa cách ly, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Bài viết được thực hiện bởi: Nguyễn Trọng An – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ của một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm..), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp chống dịch và bảo đảm an toàn tuyệt đối:
(i) Tuân thủ nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;
(ii) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp tiếp xúc, giao tiếp;
(iii) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;
(iv) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.
Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM hướng dẫn nêu rõ những nguyên tắc cơ bản nhằm tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như sau:
Những nguyên tắc chung này là nội dung cơ bản nhằm xây dựng những phương án tổ chức sản xuất kinh doanh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid 19 như hiện nay. Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần phải áp dụng những nguyên tắc chung này để đưa ra những chính sách trong quản trị, khắc phục tình trạng khó khăn để thúc đẩy sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người lao động.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu cần phải thực hiện đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn đang thực hiện sản xuất là: Chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn. Đây chính là nội dung quan trọng để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn một số điều kiện an toàn áp dụng cho doanh nghiệp khi thực hiện sản xuất kinh doanh.
Căn cứ theo nội dung Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM, điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp được xác định như sau:
Căn cứ về nguy cơ lây nhiễm COVID-19: Điều kiện đưa ra phải ở mức nguy cơ thấp trở xuống (tức là <30%). Căn cứ xác định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đước đánh giá theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/05/2020.
Cụ thể, dựa theo nội dung tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/05/2020, nội dung đánh giá bao gồm 15 tiêu chí cụ thể như sau:
Dựa trên 15 tiêu chí đánh giá này sẽ là cơ sở để đưa ra chỉ số nguy cơ lây nhiễm. Chỉ số nguy cơ lây nhiễm được tính bằng tổng số điểm thực tế chấm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh chia cho tổng số điểm của các chỉ số theo 15 tiêu chí đã nêu nhân với 100.
Cụ thể công thức sẽ là:
Chỉ số nguy cơ lây nhiễm = (CS1+CS2+CS3+…+ CS15)/300x100.
Theo đó, nếu chỉ số nguy cơ lây nhiễm đạt chỉ số dưới 30%, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ được xếp loại Nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc Rất ít nguy cơ.
Bên cạnh việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm, theo nội dung tại Công văn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đảm bảo những yêu cầu thực hiện an toàn phòng chống dịch bệnh và an toàn lao động như sau:
(i) Doanh nghiệp đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; có kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021
(ii) Không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế.
(iii) Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp.
(iv) Bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và đảm bảo rút ngắn tối đa quãng đường, tối thiểu cung đường vận chuyển người lao động với phương châm 01 cung đường vận chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.
(v) Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.
(vi) Tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Người lao động cần phải lưu ý đến những điều kiện sau để vừa đảm bảo thực hiện công việc sản xuất, vừa an toàn phòng chống dịch bệnh:
Thứ nhất, địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương.
Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đang nghiêm túc chấp hành Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, những doanh nghiệp áp dụng mô hình “Một cung đường - Hai điểm đến” cần phổ biến cho người lao động nôi dung này khi đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc của người lao động,
Thứ hai, địa phương đang thực hiện giãn cách mà cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại doanh nghiệp để phòng dịch, hoặc nơi lưu trú tập trung do doanh nghiệp tổ chức thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người lao động có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.
Như vậy, đối với những doanh nghiệp áp dụng mô hình “Ba tại chỗ”, doanh nghiệp và người lao động cần xác định trước khi tổ chức cho người lao động tập trung lưu trú tại doanh nghiệp cần xét nghiệm âm tính, đồng thời chấp hành các yêu cầu của chính quyền địa phương về thực hiện xét nghiệm.
Người sử dụng lao động cần phải đảm bảo những điều kiện sau đây để đáp ứng yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19:
- Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định 2787/QĐ-BYT; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.
- Yêu cầu nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương quy định và các quy định pháp luật hiện hành; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động.
- Chủ động tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cho người lao động, không để tình trạng hoảng loạn, mất trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng gây bất ổn trong doanh nghiệp.
- Phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại doanh nghiệp.
- Lập danh sách thông tin người lao động theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hằng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định để thực hiện hiệu quả việc tổ chức sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này.
Xem thêm một số bài viết khác liên quan đến vấn đề pháp lý trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19:
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm