Kiến nghị giải pháp phòng chống tội phạm về môi trường

Bởi Trần Thu Thủy - 19/12/2019
view 800
comment-forum-solid 0

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay, phạm vi bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số giải pháp kiến nghị.

Chuyên viên Huỳnh Thu Hương - tư vấn về thủ tục làm căn cước công dân cho người tạm trú Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Huỳnh Thu Hương - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tội phạm về môi trường là gì?

Tội phạm về môi trường là tội phạm xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi, có chất lượng, đến việc sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc bảo đảm an ninh sinh thái đối với dân cư. Các tội phạm này là những hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, qua đó gây thiệt hại cho môi trường.

Các tội phạm về môi trường trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 được chia thành 4 nhóm và sắp xếp theo trật tự sau: Nhóm 1: Các hành vi gây ô nhiễm môi trường (các Điều 235, 236, 237 và 239 Bộ luật hình sự); Nhóm 2: Các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và động vật (Điều 240 và Điều 241); Nhóm 3: Các hành vi hủy hoại tài nguyên môi trường (Điều 242 và Điều 243); Nhóm 4: Các hành vi xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường (Điều 238, Điều 244, Điều 245 và Điều 246).

Kiến nghị giải pháp phòng chống tội phạm về môi trường

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng. Cần phải thường xuyên và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, trang bị những tri thức cần thiết về bảo vệ môi trường, sinh thái cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình… có như vậy, mới nâng cao được hiệu quả hoạt động phòng ngừa các tội phạm hiện nay.

Hoàn thiện những quy định của pháp luật hình sự về môi trường

Đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ chế quản lý chưa thật đồng bộ, chính sách kinh tế – xã hội còn nhiều thiếu sót. Hệ thống pháp luật của chúng ta tuy đã có nhiều về số lượng, thay đổi về chất lượng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là về môi trường. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng, chống tội phạm.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Đối với Cơ quan điều tra

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, Cơ quan điều tra cần làm tốt một số việc sau đây:

Thứ nhất, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì quần chúng nhân dân là tai mắt của lực lượng cảnh sát môi trường trong việc phát hiện các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, phòng, chống tội phạm về môi trường là lĩnh vực nghiệp vụ mới của lực lượng Công an nhân dân. Để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về môi trường cần phải nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ điều tra. Trước hết mỗi cán bộ điều tra phải tuân thủ pháp luật và nắm vững quy định của Bộ Công an về nhiệm vụ công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát môi trường.

Thứ ba, cần tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, các chuyên đề về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường cho đội ngũ cán bộ điều tra. Xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo phục vụ công tác điều tra.

Đối với Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân với chức năng là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố. Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải tăng cường thực hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, để đẩy mạnh việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tội phạm về môi trường, góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh về các tội phạm về môi trường không những có tác dụng đảm bảo trừng trị và giáo dục người phạm tội, mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung đối với những người có nguy cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời làm cho những người đã phạm tội này không còn điều kiện dễ dàng tiếp tục thực hiện tội phạm.

Đối với Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm trong các hoạt động cải cách tư pháp, nhiệm vụ chủ yếu của Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, việc áp dụng pháp luật đúng đắn trong công tác xét xử các vụ án về tội phạm về môi trường là một vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương thành lập Tòa môi trường với tư cách là Tòa chuyên trách thuộc hệ thống Tòa án nhân dân để chuyên xét xử các tội phạm về môi trường.

Tăng cường ký kết hoặc gia nhập các công ước quốc tế trong lĩnh vực tội phạm về môi trường

Hệ thống pháp luật hình sự nói chung và pháp luật về tội phạm môi trường nói riêng cần phải hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tăng cường hợp tác, giao lưu về pháp luật và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế góp phần tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các cam kết, chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia nhằm làm cho các quy định pháp luật trong nước phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo cho việc thực hiện các cam kết quốc tế thì chúng ta cũng cần phải khẩn trương ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong đó quy định rõ quy trình, cơ chế chuyển hóa các quy phạm của điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam và quy định điều kiện, thủ tục thi hành điều ước quốc tế tại Việt Nam.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về môi trường

Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.01957 sec| 1030.898 kb