Tội chống mệnh lệnh là hành vi từ chối mệnh lệnh hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong quân đội nhân dân dưới mọi hình thức, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư tập sự Nguyễn Thị Mai - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198
Tội chống mệnh lệnh được quy định tại Điều 394 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:
"1. Người nào từ chối chấp hành hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân".
Tội chống mệnh lệnh xâm phạm đến quan hệ chỉ huy, phục tùng trong quân đội. Điều lệnh quản lý bộ đội quy định "quân nhân thuộc quyền phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng".
Người phạm tội công khai từ chối hoặc có hành vi cố tình không thực hiện mệnh lệnh. Người phạm tội có thể bằng lời nói, bằng hành động công khai thể hiện việc chống mệnh lệnh của mình hoặc không công khai nhưng cố tình không thực hiện nhiệm vụ mặc dù không có trở ngại gì. Hoặc có các hành vi lôi kéo người khác không thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, thậm chí dùng vũ lực ép buộc người khác tham gia, dùng vũ lực trực tiếp đối với người đưa ra mệnh lệnh. Trong trường hợp cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người chống mệnh lệnh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập đó.
Mệnh lệnh có thể bị chống một phần hay toàn bộ. Tuy nhiên, mệnh lệnh đó phải là mệnh lệnh hợp pháp của người chỉ huy có thẩm quyền. Nếu mệnh lệnh rõ ràng là trái pháp luật và người nhận thi hành cũng nhận thức được điều đó mà vẫn thực hiện thì cả người ra lệnh và người thực hiện mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình.
Tội chống mệnh lệnh được thực hiện với lỗi cố ý.
Chủ thể của tội chống mệnh lệnh là: (1) quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng; (2) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; (3) Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; (4) công dân được trưng tập vào phục vụ quân đội.
Những người này ở vị trí phục tùng, có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền. Đồng thời khi thực hiện tội phạm, chủ thể phải là người được giao một nhiệm vụ cụ thể nhưng đã chống lại mệnh lệnh của cấp trên, không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Xem thêm:
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm