Tất tần tật các quy định về tội phạm, cần nắm rõ tránh nhầm lẫn!

view 352
comment-forum-solid 0

Tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vậy cấu thành tội phạm gồm những gì? Có những dấu hiệu pháp lý của tội phạm? Dấu hiệu tội phạm nào là quan trọng nhất? Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn tất cả những vấn đề cần lưu ý về khía cạnh này.

Tất tần tật các quy định về tội phạm, cần nắm rõ tránh nhầm lẫn! Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tội phạm là gì?

Khái niệm này đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo quy định đó tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được Nhà nước ấn định bằng cách quy định trong Bộ luật hình sự, những hành vi nguy hiểm đó do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc các pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi vô ý hoặc cố ý, hành vi đó đã xâm phạm đến một trong các lĩnh vực sau: xâm phạm độc lập, thống nhất, chủ quyền,  toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, nền văn hóa, quốc phòng, chế độ kinh tế, an ninh, an toàn xã hội, trật tự, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.

Vậy tội phạm được chia thành mấy loại?

Dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm

Theo pháp luật hiện hành, có 4 dấu hiệu cơ bản của tội phạm như sau: 

(i) Nguy hiểm cho xã hội;

(ii) Có lỗi;

(iii) Được quy định trong luật hình sự.

(iv) Phải chịu hình phạt.

Trong bốn dấu hiệu trên, dấu hiệu thứ nhất và dấu hiệu thứ hai là dấu hiệu nội dung và cùng quy định dấu hiệu thứ ba là dấu hiệu về hình thức pháp lí. Ba dấu hiệu này quy định dấu hiệu thứ tư là dấu hiệu hậu quả pháp lí.

Ngoài quan điểm có tính phổ biến trên đây còn có quan điểm thứ hai cho rằng tội phạm chỉ có ba dấu hiệu và quan điểm thứ ba cho rằng tội phạm có năm dấu hiệu.

Theo quan điểm thứ hai và thứ ba thì tính chịu hình phạt chỉ là thuộc tính bên ngoài của tội phạm nên không được coi là một dấu hiệu của tội phạm. Quan điểm thứ ba cho rằng tội phạm còn có hai dấu hiệu khác, đó là người thực hiện phải có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Các yếu tố cấu thành tội phạm?

Cấu thành tội phạm là gì?

Cấu thành tội phạm được hiểu là tổng thể những dấu hiệu pháp lý khách quan và chủ quan đặc trưng được quy định trong Bộ luật Hình sự mà các dấu hiệu đó thể hiện dưới dạng một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm

Phân loại cấu thành tội phạm

(i) Căn cứ theo mức độ tội phạm có thể được chia thành:

Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành mà ở điều luật đó chỉ có dấu hiệu định tội. Dấu hiệu định tội được hiểu là dấu hiệu mô tả hành vi và làm căn cứ để phân biệt tội phạm này với tội khác cũng như dùng để phân biệt với trường hợp chưa phải là tội phạm.

Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành mà ở điều luật gồm dấu hiệu định tội như cấu thành tội phạm cơ bản đồng thời có thêm dấu hiệu để phản ánh mức độ của nguy hiểm của xã hội tăng lên đáng kể so với trường hợp bình thường. Những dấu hiệu này theo ngôn ngữ pháp lý chuyên ngành luật hình sự được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng.

Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành mà ở điều luật ngoài dấu hiệu định tội như cấu thành tội phạm cơ bản còn có thêm dấu hiệu phản ánh mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể so với trường hợp bình thường) Những dấu hiệu này theo ngôn ngữ pháp lý chuyên ngành luật hình sự được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ.

(ii) Căn cứ theo cấu trúc tội phạm có thể được chia thành

Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành mà trong đó có các dấu hiệu bắt buộc đối với  mặt khách quan là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại đã xảy ra đó.

Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành mà trong đó có dấu hiệu bắt buộc là hành vi khách quan mà không bắt buộc phải có dấu hiệu hậu quả thiệt hại.

Cấu thành tội phạm cắt xén đây là một dạng cấu thành tội phạm hình thức đặc biệt, ở cấu thành này nhà làm luật chỉ quy định một phần hành vi mà người phạm tội mong muốn thực hiện mà hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội hoặc trong cấu thành chỉ mô tả hoạt động nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Các yếu tố cấu thành tội phạm

Cấu thành tội phạm bao gồm 04 yếu tố sau: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan.

Khách thể được hiểu là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ở mức độ đáng kể.

Mặt khách quan là những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Những dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm gồm những hành vi nguy hiểm cho xã hội : tính trái pháp luật của hành vi, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ của tội phạm còn có các dâu hiệu khác nhau như: phương tiện, công cụ tội phạm, phương pháp thủ đoạn, thời gian, địa điểm, thực hiện phạm tội.

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự. Một số trường hợp các tội sẽ yêu cầu dấu hiệu chủ thể đặc biệt.

Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm : lỗi, mục đích, va động cơ phạm tội. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải là hành vi được thực hiện một cách có lỗi. Lỗi có hai loại lỗi : lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý phạm tội.

Ví dụ về các yếu tố cấu thành tội giết người:

Khách thể: hành vi của một cá nhân đã xâm phạm đến tính mạng của một người được pháp luật bảo vệ.

Mặt khách quan: cá nhân đã thực hiện hành vi tước đoạt một cách trái pháp luật.

Chủ thể: người gây ra hành vi là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không thuộc các trường hợp được loại trừ hay được miễn trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi có lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

Ví dụ các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khách thể: hành vi của người phạm tội đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của một cá nhân hoặc tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Mặt khách quan: một người đá bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng.

Chủ thể: người gây ra hành vi là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không thuộc các trường hợp được loại trừ hay được miễn trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi có lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

Các giai đoạn phạm tội

Giai đoạn chuẩn bị phạm tội

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Giai đoạn phạm tội chưa đạt

Vậy thế nào là phạm tội chưa đạt? Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xác định:

“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội".

Phân loại tội phạm chưa đạt

(i) Chưa gây ra hậu quả của tội phạm (ở các tội có cấu thành tội phạm vật chất).

Ví dụ: người thực hiện hành vi giết người nhưng chưa gây ra hậu quả chết người ở tội giết người;

(ii) Chưa thực hiện hết các hành vi thuộc dấu hiệu hành vi khách quan của cấu thành tội phạm (ở các tội mà dấu hiệu hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi khác nhau). Trường hợp này còn được gọi là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành

Ví dụ: Người phạm tội hiếp dâm mới thực hiện được hành vi dùng vũ lực mà chưa thực hiện được hành vi giao cấu;

(iii) Chưa thực hiện được hành vi khách quan của cấu thành tội phạm mà mới chỉ thực hiện được hành vi đi liền trước. Trường hợp này còn được gọi là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Ví dụ: Người phạm tội mới giương súng để bắn mà chưa kịp bóp cò thì đã bị bắt giữ.

Các giai đoạn phạm tội chưa đạt

Nếu như phạm tội chưa đạt mà người đó đã thực hiện tất cả các hành vi thì có các giai đoạn sau: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

Giai đoạn tội phạm hoàn thành

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thoả mãn tất cả dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất được xác định là (tội phạm) hoàn thành khi hậu quả của tội phạm đã xảy ra vì trong cấu thành tội phạm vật chất có dấu hiệu hậu quả thiệt hại. Ví dụ: Tội giết người là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên tội này hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.

Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được xác định là (tội phạm) hoàn thành khi hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm đã được thực hiện vì trong cấu thành tội phạm hình thức không có dấu hiệu hậu quả thiệt hại mà chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan.

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?

Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.”

Ví dụ: Một người dưới sự chỉ huy của người khác đã mua súng, vật liệu nổ để giết người, nhưng lúc đứng trước mục tiêu họ tự ý chấm dứt hành vi phạm tội giết người, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Điều kiện để tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Một người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết,… Luật không đòi hỏi người phạm tội tự nguyện vì nguyên nhân gì, chỉ cần người phạm tội tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm.

Các câu hỏi thường gặp về tội phạm

Phạm tội chưa đạt có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

So sánh chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt?

Chuẩn bị phạm tội: Chủ thể chưa bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm (có nghĩa là hành vi chưa xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ), mà chỉ mới thực hiện những hành vi tạo ra các điều kiện thuận lợi, cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhanh chóng về sau.

Phạm tội chưa đạt: Chủ thế đã thực sự bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ đã bắt đầu bị xâm hại, hậu quả đã gây ra cho xã hội,

Hành vi trở nên nguy hiểm hơn nếu không có căn cứ “do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn” ngăn chặn lại việc tiếp tục để hành vi phạm tội đó tiếp diễn.

Bạn có thể tìm đọc các bài viết pháp luật về lĩnh vực hình sự khác.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  • Bài viết trong được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  • Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

Luật sư Nguyễn Hoài Thương

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-hoai-thuong/ Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương được biết đến là một luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hợp đồng, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương gia nhập Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2016 đến nay.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.77136 sec| 1102.391 kb